Truy lùng những dinh thự cực kỳ xa hoa, sang trọng của vị vua cuối cùng của nước Việt

15/02/2019 - 10:54:19 1886 Num view

Nếu được hỏi vị vua nào của triều đại phong kiến Việt Nam có nhiều dinh thự ăn chơi, nghỉ dưỡng nhất thì câu trả lời sẽ là vua Bảo Đại. Bởi số lượng dinh thự mà ông sở hữu là nhiều vô số kể, hầu hết các tỉnh, thành phố lớn trong nước đều còn giữ lại những dấu tích về những căn biệt thự mà vị Vua này xây dựng hay mua lại. Tuy nhiên nổi tiếng và còn nguyên vẹn cho đến ngày hôm nay thì phải kể đến những dinh thự sau.

1. Dinh Bảo Đại III - Đà Lạt, Lâm Đồng


@kimyeens

Đây là dinh thự của vua Bảo Đại thu hút nhiều khách tham quan nhất tại Đà Lạt. Dinh thự này hầu như không còn xa lạ với khách du lịch mỗi khi ghé đến "thành phố ngàn hoa". Dinh Bảo Đại III tọa lạc trên ngọn đồi cao 1539 m ở đường Triệu Việt Vương và nằm giữa rừng Ái Ân.

Về kiến trúc, nơi đây được đánh giá là dinh thự đẹp và trang nhã nhất trong các dinh của vua Bảo Đại tại Đà Lạt, bởi lối kiến trúc thuần châu Âu, đặc biệt là chịu nhiều ảnh hưởng từ Pháp. Sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa vườn hoa, hồ nước  cùng những con đường mòn nhỏ dưới tán thông và cỏ xanh, nơi đây luôn có một sức hút vô cùng kì lạ với mọi người. Tất cả các yếu tố trên tạo nên một khung cảnh vô cùng nên thơ, lãng mạn, cũng bởi lẽ đó nên dinh III là nơi vua Bảo Đại và gia đình thường xuyên lui tới nghỉ dưỡng mỗi khi hè về.


@fynhtaarokunn

2. Dinh Bảo Đại II - Đà Lạt, Lâm Đồng:

Cùng đến thăm quan một dinh thự khác của vị vua này tại Đà Lạt mộng mơ nhưng nằm trên đường Trần Hưng Đạo, dinh II hay còn gọi là dinh Toàn quyền, về danh nghĩa dinh này thuộc về vua Bảo Đại từ năm 1949 đến năm 1954 nhưng ông rất ít khi lưu trú ở đây. Nơi đây được xây dựng từ năm 1933 đến năm 1937, có diện tích tự nhiên rộng 26 ha. Dinh tọa lạc trên đồi thông rợp bóng ở độ cao 1540 m, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 2 km về phía Đông Nam. 

Đến với Dinh II thì bạn tha hồ có thể tìm vô vàn những góc nhỏ để mà chụp hình, tạo dáng. Với lối kiến trúc cổ kính, gần gũi với thiên nhiên thì đây chính là điểm dừng chân lí tưởng cho bạn chụp hình đấy nhé. Đặc biệt nơi này sẽ càng phù hợp hơn với ai yêu thích sự yên tĩnh, nhẹ nhàng như đúng như những gì mà người ta thường kể về thành phố Đà Lạt tình và thơ này.


@diepanhpn


Vườn hoa đơn giản những trang nhã, luôn được chăm sóc tỉ mẫn, cẩn thận tại dinh II 
(Ảnh: @justingg99)

3. Dinh Bảo Đại I - Đà Lạt, Lâm Đồng:

Có thể nói, dinh I Bảo Đại là dinh thự mang đậm lối kiến trúc cổ điển của Pháp nhất tại Đà Lạt. Nằm trên đường Trần Quang Diệu, cách trung tâm thành phố 4 km về phía Đông Nam và nằm trên ngọn đồi cao 1550 m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi rừng thông lâu đời. Dinh được một triệu phú người Pháp tên Rorbert Clément Bourgery xây dựng năm 1929 với khối kiến trúc vô cùng độ sộ lên đến 60 ha. Sau đó khu biệt thự cổ này được vua Bảo Đại mua lại và biến thành tổng hành dinh của mình trong thời gian ông làm Quốc trưởng (1949 - 1955).

Điều đầu tiên sẽ khiến bạn xuýt xoa, đó chính là con đường siêu đẹp dẫn từ cổng chính vào biệt thự được lát đá tỉ mỉ, rợp bóng 2 hàng cây xanh và dãy hoa trải dọc đường đi thơm ngát, cùng với dãy ghế đá rất đậm chất Pháp. Trước biệt thự sẽ là vườn hoa rộng lớn được chăm chút tỉ mẩn từng chút một. Phía sau sẽ là bãi trực thăng và đài phun nước đã được tu sửa lại. Toàn bộ dinh thự gói gọn trong 18 ha với phòng Nội Các, phòng làm việc, phòng ngủ của vua và các phòng khác được trùng tu gần như nguyên vẹn với ban đầu.


Sau hơn một năm được trùng tu lại, dinh I Bảo Đại trở thành điểm đến yêu thích nhất (Ảnh: @_tnm.chaau)


@lehatruc


@thaihoa.pio

4. Bạch Dinh - Vũng Tàu

Tạm biệt thành phố sương mù, chúng ta đến với Bạch Dinh, Vũng Tàu, một dinh thự cổ kính khác của vua Bảo Đại tại thành phố biển nổi tiếng này. Dường như có vẻ vị vua cuối triều Nguyễn của chúng ta rất thích ở những nơi cao, có thể phóng tầm mắt ra xa thì phải, và Bạch Dinh cũng không ngoại lệ. Tọa lạc phía nam sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu, dinh thự này nằm ở độ cao 27 m so với mực nước biển, xung quanh là những khu rừng nhỏ với nhiều loại cây, đặc biệt là cây sứ. Bạch Dinh được xây dựng theo lối kiến trúc châu Âu thế kỷ 19, từ đằng trước dinh có thể nhìn thấy được Bãi Trước rộng lớn của biển Vũng Tàu.

Từ năm 1934, Bạch Dinh là nơi nghỉ mát yêu thích của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Còn bây giờ nơi đây là viện bảo tàng, trưng bày nhiều loại đồ cổ quý giá như gốm sứ thời Khang Hy, súng thần công, đại bác uy nghiêm bên ngoài dinh và các hiện vật có giá trị khác qua các đợt khảo cổ của thành phố.


Một góc nhỏ Bạch Dinh đẹp tuyệt vời, nơi cho ra đời nhiều bức hình chất lượng (Ảnh: @pactrickfung11)


Nội thất đã sờn cũ theo năm tháng nhưng lại là điểm nhiều bạn yêu thích khi đến đây (Ảnh: @metrip.vn)


@kimtien212

5. Biệt thự Cầu Đá - Nha Trang, Khánh Hòa:

Cuối hành trình, chúng ta cùng khám phá một cơ ngơi đồ sộ khác tại thành phố biển Nha Trang nổi tiếng. Biệt thự Cầu Đá hay còn gọi là Dinh Ông Thượng, Lầu Bảo Đại, gồm 5 biệt thự nằm trên đỉnh núi Cảnh Long, ở cuối đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. 

Biệt thự này nằm ở vị trí siêu đẹp với không gian thoáng mát, yên tĩnh, thơ mộng, có gió lộng 4 mùa, với biển xanh, mây trắng, chim hót ríu rít, cùng những hàng dừa rợp bóng hai bên. Theo người dân địa phương, nơi đây được vua Bảo Đại yêu thích và hay tìm đến nghỉ dưỡng bởi nó nằm ở vị trí "Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ", có nghĩa là 4 mặt giáp biển và 4 ngọn núi tựa như thú vật linh thiêng đều nhìn về biệt thự.


Lầu Vọng Nguyệt là địa điểm màvua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu lui tới thường xuyên (Ảnh: Internet)


Một góc nhỏ bên hông của biệt thự Nghinh Phong tại đây (Ảnh: Internet)

Vậy là chúng ta đã đi qua hàng loạt căn biệt thự nổi tiếng của vua Bảo Đại, cả 5 dinh thự này đều nằm ở vị trí "đắc địa", mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu. Và đây cũng chính là những địa điểm được rất đông bạn trẻ tới tham quan, chụp hình, "sống ảo". Nếu có dịp nào đó ghé về Đà Lạt, Vũng Tàu hay Nha Trang thì tại sao bạn không thử "đổi gió" mà tìm về những dinh thự sang trọng của vua Bảo Đại mà khám phá nhỉ?

Share for friends
Quảng cáo Trái
Quảng cáo Phải